Samsung hướng tới công dân toàn cầu

Samsung đầu tư hơn 7,8 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam, đồng thời đặt trách nhiệm xã hội là một trong những hoạt động trọng tâm để phát triển doanh nghiệp.

(Forbes Việt Nam th7.2014)

Trước khi nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung hình thành ở Bắc Ninh (SEV) năm 2009, Samsung có một nhà máy ở TP.HCM chưa tới 1.000 lao động. Dịp Tết, xe đưa mỗi công nhân về tận nhà từ Nam chí Bắc và chờ đón từng người trở vào làm việc. Samsung xem đó là cách giữ chân người lao động.

Hiện nay, chỉ riêng nhà máy Bắc Ninh có 250 xe buýt hằng ngày đưa đón nhân viên làm việc chạy khắp từ Hà Nội đến các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Sóc Sơn… Hệ thống bếp ăn phục vụ cho nhà máy khoảng 40 ngàn người này mỗi bữa ăn tiêu thụ chín tấn gạo và khoảng 20 ngàn quả dưa hấu, đòi hỏi một quy trình kiểm soát chặt chẽ và hiện đại đến từng chi tiết. Hệ thống ký túc xá miễn phí cho nhân viên với 12 tòa nhà có sức chứa tới sáu ngàn người được trang bị phòng đọc sách, phòng máy tính và các tiện ích khác.

Shim Won Hwan, tổng giám đốc Samsung Electronics Vietnam.
Shim Won Hwan, tổng giám đốc Samsung Electronics Vietnam. Ảnh: Samsung cung cấp.

Nhưng hệ thống ký túc xá miễn phí cũng chỉ có thể đáp ứng một phần trong guồng máy sản xuất với hơn 54 ngàn lao động của Samsung tại hai khu phức hợp ở Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên (SEVT). Hiện nay, SEV sản xuất ra 35% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu, trong mục tiêu nắm đến 52% khi nhà máy SEVTN chạy hết công suất.

Năm 2013 tổng giá trị xuất khẩu của SEV xấp xỉ 24 tỉ đô la Mỹ, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Từ số vốn ban đầu 670 triệu đô la Mỹ, họ nhanh chóng nâng lên 5,7 tỉ đô la Mỹ cho các dự án thuộc SEV và SEVT. Quan tâm lớn nhất của Samsung là có được nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất với quy mô gia tăng nhanh chóng.

“Sáu năm chưa phải là dài nhưng tất cả những thay đổi đó đều nhờ vào sự nỗ lực của từng con người,” ông Shim Won Hwan, tổng giám đốc Samsung Electronics Vietnam nói.

“Con người là biểu hiện của công ty,” ông Shim chia sẻ phương châm về phát triển nhân sự của tập đoàn và cho biết cách thức để giúp ông vận hành bộ máy sản xuất khổng lồ tại Việt Nam là “đề cao ý thức của người lao động và luôn khuyến khích họ làm việc dựa trên các nguyên lý và tiêu chuẩn nhân sự toàn cầu.”

Cách thức đó được áp dụng nhất quán trong nội bộ từ chế độ lương, thưởng, các chương trình phúc lợi cho đến các hoạt động khích lệ người lao động, khuyến khích trách nhiệm của cá nhân đóng góp cho xã hội ở các lĩnh vực khác nhau: giáo dục, văn hóa, từ thiện hay bảo vệ môi trường… Các nhân viên của họ có mặt trong nhiều hoạt động từ hiến máu tình nguyện, trồng cây xanh, nước sạch cộng đồng…

Từ tháng 9.2011, dự án thư viện thông minh của Samsung bắt đầu khởi động, với mục tiêu tới năm 2015 có 100 thư viện ở các trường trong cả nước, kể cả ở vùng xâu, vùng xa.

Phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ lao động bền vững luôn là một thách thức rất lớn của bất kỳ doanh nghiệp nào. Ông Shim thừa nhận, việc quản lý một nhà máy hơn 40.000 người là điều không dễ dàng. Các công nhân tại nhà máy SEV phần lớn đến từ các vùng nông thôn, nhưng theo ông Shim không phải vì vậy mà họ tiếp thu chậm các quy trình sản xuất hiện đại.

“Tố chất cần cù, chăm chỉ và ham học hỏi của họ luôn được đề cao tại SEV. Chúng tôi cố gắng tạo môi trường thuận lợi nhất để mọi người đều có cơ hội phát triển.” ông nói. Với độ tuổi trung bình 22 và 7% lao động có trình độ đại học, việc tạo ra các cơ hội học tập và giữ chân người lao động là tiêu chí quan trọng.

Ông Phạm Chức, trưởng phòng đào tạo và nhân sự SEV, cho biết bên cạnh các chương trình chuyên sâu phối hợp với các trường đại học, một chương trình đào tạo cao đẳng chính quy phối hợp với trường cao đẳng Bắc Hàn được tổ chức ngay trong nhà máy, phân bổ hợp lý theo ca làm việc với bốn ngành tiếng Anh, tiếng Hàn, công nghệ thông tin và kế toán để tạo cơ hội thuận lợi cho công nhân nâng cấp kiến thức, đảm bảo thu nhập, đồng thời nhà máy cũng giữ chân được người lao động.

Chiến lược toàn cầu hóa của Samsung

Samsung
Công nhân làm việc tại nhà máy Samsung Bắc Ninh. Ảnh: Samsung cung cấp.

gắn liền với chính sách trách nhiệm xã hội “công dân toàn cầu.” Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Vina (Savina), người gắn với Samsung trong những ngày đầu có mặt tại Việt Nam, nhớ lại, bước vào thế kỷ 21 Samsung bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa, gắn liền theo đó là các chính sách trách nhiệm xã hội “công dân toàn cầu.”

Nếu như các chương trình của SEV hướng đến các hoạt động CSR hỗ trợ cho bộ máy nhân sự khổng lồ và hướng đến các địa phương mà nhà máy đang hoạt động thì các chương trình Savina thực hiện bao phủ trên cả nước.

Quy mô của Samsung tại Việt Nam càng lớn thì các hoạt động CSR cũng lớn theo. Ban đầu các hoạt động liên quan đến tài trợ văn hóa thể thao như Asiad, Olympic, SEA Games, giải bóng đá quốc gia… thì từng bước đi về vai trò công dân toàn cầu đích thực hơn. Các hoạt động CSR được vạch ra thuộc bốn lĩnh vực lớn nhất trên toàn cầu đang gặp phải và ưu tiên ở những nước đang phát triển, bao gồm giáo dục, sức khỏe y tế cộng đồng, việc làm và môi trường.

CSR hướng tới sự bền vững là tiêu chí chung của tập đoàn, mỗi nước đưa ra các đề án phù hợp với các nhu cầu và điều kiện địa phương để phối hợp tổ chức hiệu quả. “Càng về sau càng hạn chế các hoạt động ‘tài trợ một lần’ mà tìm các dự án có tính bền vững, đích thực cho cộng đồng và hiệu quả về lâu dài,” ông Đạo kể. Samsung bắt đầu kết hợp với cộng đồng, các địa phương, chính phủ, khơi nguồn các dự án có thể đứng được và tiếp tục phát triển.

Tại Việt Nam, ban đầu chạy bộ làm từ thiện là hoạt động nổi bật của Samsung, nhưng sau này nhìn lại “nó nặng tính sự kiện và từ thiện,” mỗi năm chạy vài lần gây quỹ tài trợ cho trẻ em nhiễm chất độc dioxin, nạn nhân bão lụt… Samsung Digital Hope (niềm hy vọng kỹ thuật số) khởi xướng năm 2001 bắt đầu hướng vào thanh, thiếu niên, xem lớp người trẻ đang lên là đối tượng cần khuyến khích gia nhập kỷ nguyên số để thu hẹp các khoảng cách về kiến thức.

Nhiều dự án vẫn được nuôi dưỡng đến nay về hỗ trợ thanh thiếu niên trang bị nghề để ra đời; thư viện máy tính cho người mù dùng các công cụ máy tính viết phần mềm và từ điển cho người khiếm thị, hay trung tâm Sao Mai giúp người khuyết tật dạy máy tính và phần mềm cho người khiếm thị.

Dự án “Thư viện thông minh” khởi xướng năm 2011 đến nay trao 35 thư viện trên cả nước nối mạng phần mềm, thiết bị, đào tạo thủ thư và chọn lọc các đầu sách cho học sinh trung học. Thông qua UNESCO, tập đoàn Samsung tài trợ một triệu đô la Mỹ cho sáng kiến Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tương tự, trước đây chương trình y tế sức khỏe cộng đồng mang tính dài hạn “Hearts to Hearts” (trái tim đến trái tim), kết hợp giữa bệnh viện Samsung Hàn Quốc và bệnh viện Nhi trung ương để đào tạo bác sĩ mổ tim và hỗ trợ bệnh nhân trong nước. Ngày nay họ tiến một bước xa hơn là mô hình Samsung Sono School vừa khởi động đầu tháng 6.

Thiết lập thư viện cho trẻ em, một trong những chương trình CSR của Samsung tại Việt Nam. Ảnh: Samsung cung cấp.

Đây là một dự án cộng đồng liên quan đến ngành y tế phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trong nước đào tạo các bác sĩ về kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, cung cấp các phòng máy móc thiết bị, hỗ trợ chi phí cho giảng viên, chi phí vận hành lớp học và đào tạo miễn phí cho bác sĩ trong kế hoạch liên kết với các tổ chức cộng đồng thúc đẩy chương trình này lan tỏa trong xã hội.

Lao động Việt Nam đang tham gia thực hiện kế hoạch đầy tham vọng của Samsung là tiếp tục mở rộng sản xuất tại hai khu phức hợp hiện nay. Samsung vừa công bố dự án Samsung Display tại Bắc Ninh với vốn đầu tư một tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, một nhà máy mới khác dự kiến đầu tư hơn một tỉ đô la Mỹ tại khu công nghệ cao TP.HCM.

Bên cạnh đầu tư về điện tử, Samsung còn đầu tư vào hạ tầng cơ sở với các dự án trong ngành điện, hàng không, cầu cảng, đóng tàu, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin… Song song với những dự án đó, Samsung cũng tiếp tục đặt mình trước những thách thức lớn lao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

—————————————

Đọc thêm>>
Rút ngắn đường vào chuỗi cung ứng
[Infographic] FDI vào Việt Nam: Sự trỗi dậy của người Hàn
Vốn FDI: Kỳ vọng tăng về chất

Xem thêm

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.

[Dữ liệu] Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 30 năm qua những cột mốc

(Ceo-talk.vn) - Tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 30 năm (1994-2024) hơn 22 lần đã đưa Việt Nam vào top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời tổng kim ngạch thương mại 2024 lên gần 800 tỉ đô-la Mỹ, đưa quy mô lên vị trí thứ 17 toàn cầu.

Vốn tư nhân và đổi mới sáng tạo sẽ dẫn dắt thập niên tăng trưởng mới

Với quy mô nền kinh tế dự báo vượt ngàn tỉ đô vào năm 2035, đổi mới sáng tạo và dòng vốn tư nhân sẽ là động lực quan trọng cho thập niên tăng trưởng mới kể từ 2025.