Bán lẻ ganh đua

Bất chấp sự trì trệ của nền kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, tạo sân chơi cho hàng chục công ty lớn và kéo theo các ngành công nghiệp khác.

(Forbes Vietnam số 2, tháng 7.2013) – Tòa nhà năm tầng Pandora Plaza, nơi Big C đặt siêu thị thứ 21, nằm ngay mũi đường Cộng Hòa – Trường Chinh, một trong các ngả đường quan trọng hằng ngày người dân ngoại ô đổ vào trung tâm TP.HCM. Nhưng khác các siêu thị Big C truyền thống, nó được vận hành theo mô hình hiện đại hơn, vừa đa dạng sản phẩm riêng vừa quy tụ các thương hiệu trong nước và quốc tế cùng các dịch vụ hướng đến giới trẻ.

Những trung tâm Big C như vậy cũng đang mọc lên ở các thành phố hạng 2 của Việt Nam theo tiêu chí: đại siêu thị nhưng dựa vào kênh chủ yếu là hàng tiêu dùng cho gia đình.

Casino, chủ sở hữu Big C là tập đoàn bán lẻ nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam (năm 1998), và đã thổi làn gió mới vào ngành bán lẻ hiện đại. Ngày nay sân chơi này có đến vài chục thương hiệu lớn nhưng Big C vẫn được nhận diện quen thuộc với phân khúc khách hàng thu nhập từ trung bình.

Thông điệp “giá rẻ cho mọi nhà” của Big C còn bành trướng khắp các ngóc ngách của ngành bán lẻ, cổ xúy cho nhãn hàng riêng, kinh doanh trực tiếp, cho thuê gian hàng, cung ứng hàng hóa cho đến xuất khẩu hàng Việt Nam. Chuỗi 25 siêu thị Big C có mặt ở cả những nơi mà các nhà đầu tư lớn khác chưa thể đặt chân đến như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Việt Trì…

Tổng giám đốc Big C Việt Nam, Laurent Zécri, nói rằng những năm qua khủng hoảng kinh tế tác động mạnh lên sức chi tiêu của người dân, nhưng cơ hội của các nhà bán lẻ vẫn lớn. “Sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và du lịch, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng đang là nền tảng tốt cho ngành bán lẻ. So với các thị trường lân cận, kênh bán lẻ hiện đại chiếm tỉ trọng khá nhỏ, và thị trường còn ít cạnh tranh tạo ra tiềm năng lớn và hấp dẫn cho nhà đầu tư.”

bán lẻ

Trên bản đồ xếp hạng của AT Kearney, Việt Nam đánh mất vị trí thị trường bán lẻ hấp dẫn số 1 toàn cầu năm 2008 và năm 2012 cũng tụt khỏi top 30. Nhưng các nhà đầu tư bán lẻ nhìn xa trông rộng. Tổng số siêu thị và trung tâm thương mại mở mới trong 3 năm qua bằng cả giai đoạn 15 năm trước. Với tốc độ này, ước tính kênh bán lẻ hiện đại, hiện chiếm khoảng 20% thị trường, sẽ đạt đến 45% năm 2020.

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam được nâng đỡ bởi mức tăng trưởng tự nhiên khá ấn tượng, giúp thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế. Cứ sau mỗi 4 năm quy mô doanh thu tăng hơn gấp đôi, từ 33 tỉ đô la Mỹ của năm 2007 lên 71 tỉ đô la Mỹ năm 2010 và ước đạt 116 tỉ đô la Mỹ năm 2013. Kinh tế càng khó khăn, khu vực cá thể và tư nhân càng chiếm lĩnh vị trí quan trọng, trở thành bệ đỡ của ngành kinh tế bán lẻ với tỉ trọng hơn 85%. (Xem bảng).

Aeon – hãng bán lẻ lớn thứ tư toàn cầu – dự định xây thêm hai trung tâm thương mại phức hợp mỗi năm, để thiết lập chuỗi 20 trung tâm đến năm 2020 với tổng mức đầu tư dự kiến 1,5 tỉ đô la Mỹ – theo tổng giám đốc Aeon Việt Nam Yasuo Nishitoghe. Celadon Shopping Mall, trung tâm thương mại đầu tiên sẽ khai trương đầu năm 2014, sẽ là đại siêu thị có quy mô lớn nhất TP.HCM, kế tiếp là các trung tâm tại Bình Dương và Hà Nội.

Đâu đó bên ngoài khu đô thị Celadon, chen chân giữa các khu dân cư sầm uất, những cửa hàng tiện lợi Ministop mọc lên cho một kế hoạch khác. Liên doanh Aeon – Trung Nguyên (G7-Ministop) đặt mục tiêu mở 500 cửa hàng đến năm 2017 dù con số hiện chưa tới 20. 

Ông Yasuo nói: “Việc đạt được quy mô về số lượng là quan trọng để giảm chi phí và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong phân khúc cửa hàng nhỏ, vì thế phát triển càng nhanh càng tốt.” Giá trị cộng thêm của chuỗi Aeon còn ở hai mảng quan trọng khác: Aeon Credit Services – dịch vụ thẻ tín dụng lớn nhất châu Á, chuyên triển khai dịch vụ bán trả góp và thẻ tín dụng; và Aeon Delight cung cấp dịch vụ quản lý tài sản tổng hợp.

>>Saigon Co.op: Hợp tác xã tỉ đô
>>Dấu ấn Circle K trên thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam

Aeon Việt Nam được hậu thuẫn bởi chiến lược thúc đẩy vị trí dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn mẹ. Việt Nam là thị trường chiến lược trong xu thế đầu tư của doanh nghiệp Nhật. Chủ tịch Nakajima Kazu của công ty Brain Works (Nhật), phân tích rằng doanh nghiệp lớn của Nhật ra nước ngoài khá sớm và hình thành nhu cầu kéo theo doanh nghiệp nhỏ, làn sóng hiện nay thuộc về các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Chuỗi Aeon như là nền tảng để các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ khác theo vào Việt Nam, kéo theo các đối tác khai thác gian hàng hoặc cung ứng sản phẩm,” Nakajima nhận định.

Độ hấp dẫn của thị trường là khác nhau với chiến lược của từng nhà đầu tư. Metro, hiện có 19 trung tâm,  đặt kế hoạch có 35 trung tâm đến năm 2015, tận dụng thế mạnh tổ chức cùng với các nhà sản xuất/phân phối để tạo lợi thế cạnh tranh về giá.

Tham gia thị trường ngay giai đoạn kinh tế khó khăn (2008) nhưng Lotte, tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc, đã thiết lập chuỗi khá nhanh với trung tâm thương mại thứ 5 sắp khai trương tại Hà Nội trong tham vọng có 60 trung tâm đến năm 2020. Lotte trở thành đối thủ đáng gờm bởi sở hữu nhiều mảng liên kết: phân phối, thực phẩm, khách sạn, du lịch giải trí, tín dụng, bán hàng qua truyền hình…

Hình ảnh ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam còn được tạo nên bởi các thương hiệu Parkson, Diamond hay Crescent Mall… Cùng với thương hiệu trong nước Vincom họ chiếm lĩnh các vị trí đắc địa nhất Sài Gòn, gắn với biểu tượng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu mới nổi hay các “trọc phú” sẵn sàng chi tiền cho các thương hiệu đẳng cấp và hào nhoáng.

Một phần giới trẻ Sài Gòn ngày nay quen dần với việc đến các trung tâm thương mại xem phim Hollywood nhưng cũng có thể tạt vào các cửa hàng tiện lợi bên đường để mua vài lon Coca, vài hộp đồ ăn nhanh ở Circle K, Ministop hay Shop&Go, B’s mart…

Các nhà đầu tư nội địa dù ít kinh nghiệm, yếu hơn về vốn và gặp nhiều thách thức trong nền bán lẻ hiện đại, nhưng cũng chấp nhận cuộc chơi và cạnh tranh mạnh mẽ trong lợi thế riêng của mình. Với thông điệp “bạn của mọi nhà”, nhưng 40% trong chuỗi 63 siêu thị Co.op Mart nằm ở TP.HCM.

Thương hiệu này đang chuyển mình trước áp lực cạnh tranh, thay đổi theo hướng hiện đại hơn để thoát khỏi tính nhận diện ở phân khúc bình dân. Các thương vụ hợp tác với Mapletree (tập đoàn Temasek) hay FairPrice nhằm tiến đến các mô hình trung tâm mua sắm phức hợp (shopping mall), đại siêu thị (hypermarket) bên cạnh chuỗi 63 siêu thị (supermarket) đã thiết lập vững chắc nhiều năm qua; kể cả mô hình phân phối lớn tương tự Metro.

Chuỗi Citimart gắn liền với các tòa cao ốc văn phòng, nơi giới cổ cồn vội vã có thể tranh thủ mua sắm vài thứ ngay trong ngày làm việc. Maximark hay Satra, Fivimart cũng là sự bền bỉ của khối bán lẻ trong nước cùng các chuỗi mini Best&Buy, Satrafood, Co.opfood, Hapromart…

Cuộc cạnh tranh của ngành bán lẻ kéo theo nhiều ngành kinh tế khác, dịch vụ hậu cầu (logistics) là một điển hình. Chẳng hạn DHL Supply Chain dẫn đầu thị trường này nhờ vận hành gần 30 tổng kho và trung tâm phân phối được đầu tư 10 năm qua, vừa lên kế hoạch đến năm 2015 sẽ tăng thêm 55% diện tích kho vận, 160% đội xe, 3 lần số lao động từ mức 800 người hiện nay.

Chỉ riêng 3 trung tâm chuyên phân phối cho kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi và HORECA (khách sạn, nhà hàng, suất ăn công nghiệp) của DHL mỗi tháng đưa 6 triệu thành phẩm đến hơn 300 nhà phân phối trên cả nước.

Theo tổng giám đốc Janwillem Winkelhuijzen, ngành bán lẻ đã thúc đẩy ngành logistics tăng trưởng nhanh – hơn 25%/năm trong suốt thập kỷ. “DHL tập trung vào hậu cần bán lẻ vì đây là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Đầu tư là để đón đầu tăng trưởng bởi các khách hàng đòi hỏi chúng tôi có chiến lược cụ thể, họ cần giải pháp chuỗi cung ứng phức tạp hơn, kinh nghiệm quốc tế nhưng đòi hỏi nội địa hóa”.

Theo Kantar Worldpanel Vietnam, thương mại hiện đại Việt Nam trong mười năm (2004-2013) đã đa dạng hóa được các loại hình bán lẻ và hiện đang vào giai đoạn tăng tốc. Các trung tâm mua sắm phức hợp/đại siêu thị sẽ nở rộ ở vùng ven, thành nơi mua sắm thứ cấp kết nối đến người tiêu dùng ngoại ô, tiệm cận lớp tiêu dùng mới nổi và tạo sự lớn mạnh cho toàn thị trường.

Đặc biệt kênh siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi có tiềm năng lớn nhờ thu hút được nhiều hộ mua mới và mức độ mua sắm thường xuyên hơn, dự báo đến năm 2022 mỗi hộ gia đình thành thị mua sắm ở kênh này ít nhất 1 lần/năm.

Tổng giám đốc David Anjoubault  phân tích: “Bất ổn kinh tế kéo dài khiến cho kênh mua sắm hiện đại gần đây trở nên kém hấp dẫn, thể hiện qua mức tăng trưởng chật vật 0,5% so với cùng kỳ năm trước; kênh truyền thống tiệm tạp hóa vẫn tăng trưởng 8,5% trong 12 tháng qua đã nâng đỡ cho thị trường. Dù vậy, về dài hạn xu hướng mua sắm hiện đại là tất yếu bởi người tiêu dùng được trải nghiệm mua sắm an toàn và tiện lợi.”

Các nhà bán lẻ dựa vào dữ liệu 90 triệu dân và mỗi năm có hơn 1 triệu lao động mới gia nhập nền kinh tế; thương mại hiện đại mới hơn 20% so với bình quân tại các thị trường phát triển là trên 70%, đồng nghĩa với cơ hội lớn cho thương mại hiện đại tại Việt Nam.

Các nhân tố khác hậu thuẫn cho ngành bán lẻ hiện đại phát triển là hạ tầng công nghệ thông tin và dịch vụ giúp lớp tiêu dùng mới trải nghiệm các kênh bán hàng qua truyền hình, Internet hay điện thoại. Hạ tầng thanh toán đang dần hoàn thiện sẽ thúc đẩy người dân tiêu dùng qua thẻ tín dụng và những sản phẩm tài chính khác sẽ càng giúp Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế và thúc đẩy thương mại hiện đại.

Nhận diện những thách thức “nóng” của ngành bán lẻ Việt Nam, ông Laurent Zécri cho rằng yếu tố cấp thiết là thiếu những con người được đào tạo chính quy và ngành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại vốn đòi hỏi những kỹ năng đặc thù và chuyên nghiệp. Hệ thống hậu cần hiện đại đang thâm nhập đến các tỉnh thành nhưng chưa đủ mạnh và chuyên nghiệp để giúp doanh nghiệp các vùng miền vươn ra những thị trường khác hiệu quả, làm đa dạng và phong phú hàng hóa Việt Nam nhưng với chi phí thấp nhất có thể.

Theo cam kết WTO, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư 100% vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam thay cho trước đó chỉ được liên doanh với tỉ lệ đến 50%. Như vậy sẽ càng nhiều cơ hội ở thị trường bán lẻ, đồng nghĩa với sức ép cạnh tranh sẽ cao hơn. Vị trí thật sự trên đường đua vẫn đang ở phía trước.

————————————————————————————–

Bán lẻ “nổi lửa” mùa hè

Mùa hè 2013 đi qua với các chỉ số kinh tế chưa mấy khởi sắc nhưng thị trường bán lẻ được tô thêm sắc màu khi các tay chơi mới hào hứng nhập cuộc: BJC, Auchan, FairPrice.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart của người Nhật tại Việt Nam đã được đổi tên thành B’s mart, trở thành sở hữu của tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, người nắm tập đoàn Berli Jucker Public (BJC). BJC sở hữu đến 75% tại Thai Corp International Vietnam (TCI) – công ty thực hiện thương vụ với liên doanh Vina-FamilyMart do tập đoàn Phú Thái Việt Nam nắm 51%, FamilyMart và Itochu của Nhật nắm 44 và 5%.

Người ta có thể dự đoán được bước đi của BJC: mua TCI năm 2010 – công ty có kinh nghiệm 20 năm phân phối hàng tiêu dùng (FMCG) tại Việt Nam. TCI nắm cổ phần lớn tại Thái An – công ty nội địa có mạng 200 đối tác phân phối và hàng ngàn nhà bán lẻ cùng kênh bán hàng qua truyền hình.

Như một đại diện cho làn sóng công ty Thái, BJC nhắm tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa Thái trên toàn Đông Dương. Trong mối quan hệ dích dắc này, một thương vụ hấp dẫn khác: liên doanh giữa BJC với hãng sản xuất chai thuỷ tinh lớn nhất thế giới Owens-Illinois. Nhà máy OI-BJC chi phối đến 50% thị phần chai lọ thuỷ tinh nội địa, thừa hưởng được thị phần sẵn có tại Sabeco và cung ứng đến hơn 350 nhà sản xuất thức uống khác tại Việt Nam.

Thương hiệu Co.opXtraplus chính thức ra mắt là một sắc thái khác của ngành bán lẻ. Saigon Co.op FairPrice – liên doanh giữa Liên đoàn hợp tác xã tiêu dùng Singapore (NTUC FairPrice) và Saigon Co.op, nhắm đến đầu tư và vận hành chuyên nghiệp song song loại hình đại siêu thị (hypermarket) có thương hiệu Co.opXtra và đại siêu thị kết hợp phân phối lớn (hypercash) với Co.opXtraplus với kỳ vọng tạo nên cấu trúc hàng hóa khác biệt và đa dạng.

Cuộc liên kết này có tăng thêm sức mạnh cho nhà bán lẻ nội địa lớn nhất nước trước sự bành trướng của nhiều thương hiệu quốc tế? Chủ tịch Saigon Co.op FairPrice Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định: “Thương hiệu Co.opXtra nhằm củng cố năng lực lõi về bán lẻ, giúp Saigon Co.op phát triển rộng và sâu hơn, tăng cường hàng nhãn riêng, bổ sung nguồn hàng cho cả hai đối tác và đưa hàng hóa Việt ra thế giới, trong đó có mạng lưới của FairPrice”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) dự kiến đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Từ cuối năm ngoái Auchan chi 1,4 tỉ USD để sở hữu hơn 90 siêu thị Real Grocery thuộc Metro AG tại Đông Âu. Bên cạnh Metro Cash & Carry, liệu các nhãn hiện như Real, bán lẻ điện máy Media-Saturn hay Galeria Kaufhof thuộc Metro AG có đặt Việt Nam
vào tầm ngắm?

Thị trường nhộn nhịp vậy, nhưng những tay cự phách như Wal-Mart, Tesco, Carrefour hay Kroger, Costco… vẫn chưa nhảy vào cuộc chơi.


Đọc thêm
Dấu ấn Circle K trên thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam
Đằng sau quyết định thoái vốn mảng bán lẻ của FPT
“Đại chiến” bán lẻ
Phần mềm cho cửa hàng bán lẻ
Chuỗi bán lẻ dược phẩm: Thế trận mới

Xem thêm

Triển vọng Doanh nghiệp 2025: Tái cấu trúc, mở rộng thị trường và chuyển đổi số

Khảo sát do Ngân hàng UOB thực hiện vừa công bố cho thấy các phản ứng của doanh nghiệp sau những biến động về thuế quan kể từ tháng 4: 80% đang chủ động đưa ra giải pháp ứng phó và 60% vẫn giữ quan điểm tích cực về triển vọng trong năm tới.

SSI, Tether, U2U và AWS hợp tác phát triển hạ tầng tài chính số

Ngày 19.6, các đơn vị thành viên của công ty Chứng khoán SSI đã ký hợp tác với ba đối tác công nghệ - tài chính: Tether, U2U Network và AWS, đánh dấu bước tiến trong xây dựng hạ tầng tài chính số, tích hợp công nghệ blockchain và điện toán đám mây tại Việt Nam.

AI là bài kiểm tra năng lực tư duy chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam

Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trí tuệ nhân tạo (AI) AI không chỉ là một xu hướng công nghệ mà còn là bài toán tích hợp giữa chiến lược, năng lực tổ chức và khả năng quản trị sự thay đổi trong doanh nghiệp.

Australia và Việt Nam ra mắt Trung tâm Công nghệ Chiến lược thúc đẩy hợp tác số

Trung tâm Công nghệ Chiến lược Australia – Việt Nam chính thức ra mắt ngày 11.6, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia.

Máy tính lượng tử sẽ định hình tương lai ngành ngân hàng ra sao?

Công nghệ lượng tử đang tạo nên làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính và khả năng thích nghi sẽ quyết định ai là người tiên phong trong kỷ nguyên mới này.