Khi tôi hỏi TS.Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions, doanh nghiệp gia công phần mềm lớn nhất Việt Nam hiện nay: “Ông nghĩ gì về GlassEgg?”.“GlassEgg của Phil Trần à?” – Ông hào hứng – “Cô thử đến GlassEgg một lần đi, tôi từng đến và không muốn trở về. Lĩnh vực GlassEgg theo đuổi không chỉ đòi hỏi về năng lực kỹ thuật, mỹ thuật mà còn là bản lĩnh thị trường và tính chuyên nghiệp. Điều quan trọng nhất là lợi nhuận đem lại cao gấp rưỡi lần gia công trong những lĩnh vực khác. Những gì họ làm được là thứ tôi thèm khát”.
Khám phá thế giới số
Ở GlassEgg Media Digital của Phil Trần tại tòa nhà E-Town, ngay sau quầy tiếp tân là “ngôi nhà” được thiết kế dành riêng cho những người chơi game, họ hò hét và cười la thoải mái trong khi những kỹ sư đồ họa khác đang làm việc trên máy tính. “Chơi game không chỉ là sở thích mà còn là công việc. Bởi người làm game không chỉ làm kỹ thuật hay mỹ thuật mà còn phải cảm nhận được cuộc sống trong game”, Phil nói.
Phil Trần sang Mỹ trước ngày miền Nam giải phóng vài tuần, ở tuổi lên 10. “Ký ức về chiến tranh đối với tôi là những lần lên xe cùng gia đình di tản khỏi vùng tranh chấp mà trẻ em xem như dịp được đi chơi xa, chưa ý niệm được sự chết choc, chưa biết mất ngủ mỗi tối nằm nghe bom đạn nổ”, anh nhớ lại.
Tốt nghiệp ngành luật Đại học San Francisco, Phil theo chân một hãng luật của Mỹ về Việt Nam hai tháng sau khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton hủy bỏ lệnh cấm vận Việt Nam tháng 4-1994. “Tuổi thơ của tôi quanh quẩn ở một xóm nhỏ của quận Phú Nhuận thời đó còn thưa thớt những ngôi nhà. Gần 20 năm trở về, Việt Nam khác biệt quá nhiều so với những gì tôi tưởng tượng”, Phil nhớ lại.
Phil ở lại khi hãng luật rút khỏi Việt Nam và bắt đầu “cuộc chơi” của mình tại GlassEgg năm 1999 với các đồng sáng lập. Khám phá kỹ thuật số không phải là điều mới lạ với anh sau khi gác sang bên những cuốn sách về luật.
Phil tự tin rằng thế giới máy tính sẽ mở đầu cuộc chơi mới thỏa được niềm đam mê của mình từ những năm còn tiểu học, khi mà năm 1980 anh đã phải trả hơn 3.000 USD cho một máy tính hệ 286. “Những mối quan hệ mà tôi tạo dựng được cùng với niềm đam mê đã khiến tôi không phải rơi vào tình thế buộc phải lựa chọn khi dấn thân vào ngành gia công dù còn rất mới tại Việt Nam”, Phil nói.
GlassEgg Media Digital ra đời bằng số tiền 400.000 USD của Phil và nguồn vốn chính 3 triệu USD được gọi từ quỹ đầu tư Dragon Capital và Quỹ Tài chính quốc tế (IFC). Trò chơi điện tử dẫu là thị trường rộng lớn nhưng thời điểm đó việc gia công còn khan hiếm vì các hãng lo ngại về bản quyền.
Phil cho rằng GlassEgg mở ra nhằm đón đầu xu hướng gia công chắc chắn sẽ đến như những lĩnh vực khác. Trải qua giai đoạn chật vật để chuẩn bị, khi nền gia công game thế giới thực sự mở cửa, GlassEgg đã chứng minh với các đối tác rằng dự án của họ có thể làm được tại Việt Nam.

. . .
“Liên hiệp quốc”
Phil dí dỏm so sánh rằng GlassEgg ngày nay là một “công ty liên hiệp quốc”. Ngoài lực lượng chính là các họa sĩ và kỹ sư lập trình người Việt, có đủ những “tay mê game” đến từ Mỹ, Anh, Ailen, xứ Wales, Philippines hoặc Úc… Trong khi giám đốc kỹ thuật là người Việt thì giám đốc mỹ thuật là người Anh, giám đốc marketing đến từ Mỹ, kế toán trưởng từ Philippines.
Anh nói: “Trong lĩnh vực gia công, khi mở công ty tại Việt Nam có nghĩa là muốn dùng nhân sự người Việt càng nhiều càng tốt. Nhưng một công ty hướng ra nước ngoài thì cần màu sắc quốc tế, những kinh nghiệm và sở trường khác nhau để giúp công ty phát triển phù hợp với mục tiêu thị trường”.
Anh dẫn dụ rằng người chỉ đạo mỹ thuật cần sát thực với quan điểm mỹ thuật phương Tây để các game dễ dàng ứng dụng; giám đốc marketing đang cùng anh “săn” khách hàng để mở thị trường cho GlassEgg. Nhưng Phil tự hào về tay giám đốc kỹ thuật của mình là một kỹ sư trẻ được đào tạo từ trong nước, người đang dẫn đầu đội ngũ hơn 100 họa sĩ và kỹ sư lập trình.
Phát triển game không phải là nơi họa sĩ cầm cọ vẽ những bức tranh hay một kỹ sư lập trình viết thuần thục những chương trình. Họ có năng khiếu mỹ thuật và tận dụng công nghệ để thiết kế sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp. Phil nói và tự hào rằng mình may mắn có được một đội ngũ (keystaffs) giỏi, bản lĩnh và chuyên nghiệp.
Những bộ phim quảng cáo hoạt hình 3D do GlassEgg thiết kế cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn đầu thành lập đã được gác sang bên để tập trung vào lĩnh vực gia công. Họ được các hãng nước ngoài biết đến ngày càng nhiều sau khi phát triển những phần mềm trò chơi điện tử như Toy Story cho Disney; 24 Hour Le Mans cho Infograme, gần đây nhất là gia công Forza Motor Sports cho Xbox nổi tiếng của Microsoft.
Thành quả lớn nhất mà GlassEgg đạt được đến nay là tạo được quan hệ đối tác với các hãng phát triển trò chơi điện tử nổi tiếng thế giới như Microsoft, Electronics Arts, Midway, Atari… Công ty phải cạnh tranh với các đối thủ từ Nga, Ukraina, Ấn Độ vốn có tiềm năng tài chính, nhiều kỹ sư kinh nghiệm, thậm chí mức giá rất cạnh tranh nhưng GlassEgg vẫn được chấp nhận vì sản phẩm làm ra luôn bảo đảm về thời gian và chất lượng.
>>Vai trò cộng đồng Việt kiều với sự phát triển ngành công nghệ thông tin
Tham vọng và thực tế
Những ngày cuối năm anh đang bận rộn với những báo cáo tài chính để tiếp tục gọi vốn cho việc mở rộng đào tạo trong năm tới. “Trước khi thành một công ty danh tiếng thì doanh nghiệp còn là một trường học”, Phil nói. Việc đào tạo cho đến khi nhân viên mới tham gia vào các dự án mất khoảng một năm. Vì thế đào tạo là “cửa ải” đầu tiên cho cả hai phía: người lao động và doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công phát triển phần mềm hiện nay.
Phil không cho biết doanh số của GlassEgg nhưng theo anh tiềm năng của một công ty gia công được tính theo số người. Nguồn vốn mới gọi sẽ được GlassEgg mở rộng đào tạo và bành trướng công ty sau sáu năm mà anh gọi là giai đoạn thiết lập nền tảng.
Anh ước tính với 100 lập trình game khả năng đạt được doanh thu hàng năm khoảng 3 triệu USD, tham vọng của GlassEgg trong vài năm tới là tăng số người lên 4-5 lần. “Đó là lý do vì sao chúng tôi gọi vốn. GlassEgg cần lớn thêm và phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Muốn cái bánh lớn hơn thì cổ phần hay lợi tức cũng phải được chia ra”, Phil nói.
Vấn đề mà GlassEgg đang quan tâm là những đối thủ từ Nga, Trung Quốc, Ukraina hay Ấn Độ, Philippines… Họ đang có nhiều thuận lợi, những người Nga, Ukraina qua Mỹ và Anh từ trăm năm nay trở về với kinh nghiệm và số vốn lớn, trong khi Ấn Độ đang đứng đầu về ngành công nghiệp gia công phần mềm, còn Trung Quốc là một thị trường khổng lồ.
Việt Nam được nhắc đến là thị trường với nguồn nhân lực tiềm năng nhưng đó chưa phải là tất cả vì không dễ tiếp nhận dự án trong điều kiện giá viễn thông và giá thuê văn phòng cao, cơ sở hạ tầng chưa tốt và các chính sách về quản lý dù thay đổi nhưng đi vào cuộc sống rất chậm. “Khái niệm cạnh tranh vì thế phải được doanh nghiệp xác định ngay từ đầu rằng mình đang ở đâu trong bản đồ cạnh tranh để có một định hướng đúng. Đừng quá tự tin vì không phải bất cứ tiềm năng nào cũng được tận dụng hữu ích”, Phil nói.
Nỗ lực của các công ty Việt Nam theo anh là đi vào phân khúc thị trường dự án nhỏ nhưng giá trị cao. Dẫu còn nhiều thử thách nhưng anh kỳ vọng GlassEgg sẽ thắng đúng chỗ trong “cuộc chơi” nhờ nguồn lực đã được chuẩn bị.
—————————–
Đọc thêm >>
CEO Logigear Hùng Nguyễn: Nghệ sĩ jazz mê kiểm thử phần mềm
Chủ tịch TMA Nguyễn Hữu Lệ: Làm công nghệ cần Nghĩ xa & Nghĩ lớn
CEO KMS Technology: Việt Nam không thiếu kỹ sư IT giỏi
GS.Trương Nguyện Thành: Mỗi người cần một cơ hội