Đưa Yola thành điểm đến luyện tiếng Anh cho du học sinh

Nhóm cựu du học sinh từ Mỹ sáng lập và điều hành Yola, trung tâm luyện thi Anh ngữ du học đang nổi lên với tỷ lệ lớn học viên được nhận vào các trường đại học danh tiếng.

(Forbes Vietnam số 16, th9/2014)

Cú sốc thi trượt vào trường chuyên Lê Hồng Phong đã trở thành động lực tìm học bổng du học của Phạm Anh Khoa. Tổng giám đốc 30 tuổi của Yola kể lại: “Vì thất bại nên tôi muốn phấn đấu để thể hiện bản thân. Kết quả học bổng đến Anh năm lớp 12 là kết hợp giữa nỗ lực, sự tò mò và hy vọng thay đổi cuộc đời.”

Khoa tiếp tục đạt học bổng vào trường đại học Bates (Mỹ) học hai chuyên ngành kinh tế và quan hệ quốc tế.  Với những trải nghiệm tích lũy được từ những năm tháng du học, năm 2008, anh cùng Phan Duy, Ngô Thùy Ngọc Tú và Nguyễn Quốc Đạt, đều là những du học sinh từ Mỹ trở về, thai nghén dự án luyện thi tiếng Anh cho những người muốn du học.

“Người dạy ở Yola là hình mẫu mang đến cho học sinh những trải nghiệm, gần gũi, chia sẻ để tạo động lực cho người học, ” Khoa nói. Với quan niệm đó, các giáo viên Yola giảng dạy theo phương châm truyền cảm hứng cho học sinh phấn đấu, rèn luyện những kỹ năng học tập, kỹ năng sống và cả kỹ năng làm bài thi hiệu quả cao.

Yola
Ba người sáng lập hiện sở hữu và điều hành Yola, từ trái qua: Phan Duy, Ngô Thùy Ngọc Tú và Phạm Anh Khoa. Ảnh: Phan Quang

Mở ra vào thời điểm nhu cầu du học của học sinh Việt Nam đang tăng mạnh, sau gần năm năm, Yola đã trở thành một địa chỉ được tin cậy với ba trung tâm ở TP.HCM và một trung tâm mới mở được ba tháng ở Hà Nội. Khoa cho biết mùa hè 2014, hơn 250 học sinh luyện thi từ đây đã du học đến nhiều nước.

Năm năm qua khoảng một ngàn học sinh luyện thi tại Yola được nhận vào khoảng 150 trường đại học trên thế giới, ước tính 50% đạt được học bổng. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 50% mỗi năm, năm 2013 Yola cán mốc 1.000 học sinh với 5000 lượt học.

Trong một rừng hàng trăm trung tâm đào tạo Anh ngữ, Yola chuyên biệt hóa bằng cách luyện thi tiếng Anh du học, bắt đầu với ngách nhỏ: luyện thi SAT (Scholastic Aptitude Test) – bài thi chuẩn hóa đầu vào các trường đại học Mỹ, đến nay vẫn là lợi thế lớn nhất của Yola với thị phần Khoa ước tính hơn 60% ở TP.HCM.

Chương trình luyện thi TOEFL khởi sự năm 2011 theo Khoa cũng giúp Yola nắm khoảng 30%. Các học sinh đạt học bổng vào các đại học nổi tiếng như Stanford, Harvard, Yale…  đã tạo nên uy tín cho Yola. Kỷ lục về điểm thi SAT hay TOEFL cao nhất Việt Nam cũng đang được các học viên tại đây nắm giữ, khiến lượng học viên đến Yola tăng nhanh.

Yola từng thất bại khi dùng đào tạo trực tuyến để dạy tiếng Anh du học. Sau sáu tháng phải bỏ cuộc. Khoa nhớ lại: “Có phụ huynh bảo ‘đưa con vào lớp còn chưa tập trung, một mình với máy tính làm sao yên tâm, các học sinh trẻ còn cần sự tương tác cộng đồng, nhu cầu vui chơi, kết bạn.” Thất bại buổi đầu giúp họ nhận ra, muốn thành công thì phải tạo được niềm tin cho phụ huynh. Khi mô hình chuyển đổi, Đạt (phụ trách công nghệ) rời nhóm, hiện vẫn là một cổ đông nhỏ của Yola.

Trung tâm đầu tiên mở năm 2009 ở góc đường Phạm Ngọc Thạch – Võ Thị Sáu khoảng 60 m2 với hai phòng học và văn phòng giao dịch. Họ khởi nghiệp với 10 ngàn đô la Mỹ mượn của một người bạn về sau trở thành cổ đông nắm 5%. Yola ra đời vào lúc thị trường đào tạo ngoại ngữ đã có hàng loạt tên tuổi lớn như ILA, Anh văn hội Việt Mỹ (VUS), Apollo, Hội đồng Anh, Cleverlearn… chưa kể nhiều trung tâm luyện thi của các trường đại học.

“Phân khúc luyện thi du học khá hẹp, thách thức lớn về việc đảm bảo uy tín, nhưng đó lại là lợi thế cạnh tranh duy nhất của cả nhóm.” Khoa nhớ lại – “Cả nhóm xác định nếu thất bại sẽ đi làm thuê kiếm tiền trả nợ.”  

Số du học sinh tăng hàng năm là yếu tố thuận lợi cho những người tham gia cuộc chơi như Yola. Theo bộ Giáo dục và Đào tạo, trong ba niên học 2010-2013 lần lượt là 98.000-106.000 và 120.000 học sinh đến hàng chục quốc gia khác nhau. Khoa cho biết khi vận hành mới nhận ra mức độ phụ huynh sẵn lòng trả tiền cho luyện thi du học tạo ra một thị trường rất tốt.

Yola

Ước tính học phí trung bình mỗi khóa học ở Yola khoảng 500 đô-la Mỹ, nhưng nhiều phụ huynh sẵn lòng chi trả cho những khóa luyện thi chuyên biệt hơn đến 900 đô-la Mỹ. Cá biệt có chương một thầy – một trò hoặc theo nhu cầu tức thì có thể đến 1,2 triệu đồng mỗi giờ học.

Năm 2010, khi họ chưa mở lớp luyện thi SSAT, có một phụ huynh đến yêu cầu nhưng Yola không đáp ứng được vì mở lớp cần ít nhất tám học sinh. Trong vòng một tuần vị phụ huynh đã kết nối được 10 học sinh từ mạng lưới bạn bè ở khu Phú Gia (Phú Mỹ Hưng, Q.7).

“Mỗi sáng chủ nhật, trước cửa trung tâm 91 Võ Thị Sáu chỉ hai phòng học chật hẹp nhưng xe hơi các ‘đại gia’đưa con đến học đậu đông ken.” Khoa kể: “Về sau phụ huynh học sinh chính là kênh phát triển thị trường của Yola với 90% người mới đến là từ câu chuyện của một người nào đó.”

Sau khi đưa hai con gái sang Singapore học tiếng Anh được một năm để chuẩn bị sang Mỹ du học thì bà Chu Thị Bình, phó tổng giám đốc tập đoàn Minh Phú, biết đến Yola. Bà đến tận nơi xem trường lớp và gặp Khoa nhiều lần để “test” vì e ngại họ còn quá trẻ.

Bà cho biết Yola đã thuyết phục bà nhờ đội ngũ giáo viên trẻ có ý chí, trải nghiệm du học và tâm huyết. Cách của họ, theo bà Bình đã truyền được kiến thức và nguồn cảm hứng cho “lũ trẻ nhà tôi có động lực học tập tốt hơn và cả hai tự tin hẳn lên”.

Đội ngũ 70 giáo viên của Yola đa số ở thế hệ 8X. Đến 70% trong số họ là cựu du học sinh trở về từ nhiều quốc gia và 30% là người nước ngoài. Khoa nói: “Chúng tôi muốn tạo một môi trường không có khoảng cách xa về thế hệ, người dạy cảm nhận những gì họ trải qua cách đây vài năm và người học cảm nhận được người đứng bục là người hướng dẫn và hỗ trợ họ đã trải nghiệm thành công, học cách thức, câu chuyện chứ không chỉ kiến thức.”

Khoa thừa nhận gặp thách thức trong tuyển dụng cựu du học sinh vì người giỏi thường được mời chào công việc giá trị và đúng lĩnh vực, thuyết phục họ về Yola không dễ.

Thách thức nữa là mô hình ban đầu xây dựng từ quan hệ tình cảm bạn bè, nhưng khi ở quy mô lớn đòi hỏi quy trình phải chuyên nghiệp và tính kỷ luật cao hơn. Đa số nhân viên là người trẻ, cá tính, đặc biệt  “mỗi giáo viên có thể là một ngôi sao trong mắt  học sinh.”

Khoa cho biết khi chuyển đổi cách thức quản lý từ nhóm nhỏ sang chuyên nghiệp, từng có vị trí trí chủ chốt rời Yola. Họ phải cải tiến hệ thống tuyển dụng, đào tạo để rút ngắn khoảng cách giữa các thành viên. “Tôi phải học cả cách giao phó công việc, nói chuyện trực tiếp với nhân viên, thậm chí học cách nói cho thôi việc với người không đáp ứng yêu cầu.” 

Cả ba có tỷ lệ cổ phần xấp xỉ nhau ở công ty mình sáng lập với khoảng 28%. Khoa điều hành chung, Phan Duy quản lý tài chính và Ngọc Tú phát triển ý tưởng (cả hai sinh năm 1987).

Tú chia sẻ: “Điểm chung của ba chúng tôi là luôn thích thú thử nghiệm cái mới và rất may không ai để cái tôi của mình quá lớn.” Cô gái tốt nghiệp cử nhân chính sách công về giáo dục của đại học Stanford, Mỹ và tiếp tục chương trình MBA của INSEAD đang ấp ủ ý tưởng tạo một mạng lưới giáo dục trong khu vực ASEAN để tìm kiếm cơ hội phát triển Yola ở thị trường quốc tế.

Phan Duy sang Mỹ du học từ thời phổ thông và vào đại học hai chuyên ngành toán và kinh tế ở Liberal Art College. Quan điểm quản lý của Duy: “không thể theo một con đường duy nhất mà phải thay đổi, nắm bắt được cái mới đúng với xu thế.” Anh nhận xét “người điều hành Yola thiên về bao quát nên có khi bỏ sót chi tiết, tôi thì không”.

Trong khi đồng nghiệp nữ theo Duy “là đầu não sáng tạo mang đến nhiều ý tưởng mới cho Yola” nhưng đôi khi quá mới và không phù hợp thực tế thì “gác cổng” bằng cách cùng bàn bạc và phân tích dưới nhiều góc cạnh.

Kinh doanh trung tâm ngoại ngữ thành công được thị trường nhận định “một vốn bốn lời”. Khoa thừa nhận họ ‘chưa từng lỗ’. Lợi nhuận trung bình 20-25% theo Khoa là lý tưởng cho quy mô đầu tư bài bản, “muốn đẩy lên 40% cũng được nhưng giảm chất lượng thì mình có sống được lâu không?”, Khoa tính toán, Yola đang đứng đầu ở một ngách thị trường khá hẹp nên phải giữ vững vị thế bằng chất lượng và đảm bảo uy tín khi mở rộng quy mô. “Chỉ cần chất lượng mình giữ ổn định thì lượng học sinh sẽ tự động tăng lên.”

Yola
Bên cạnh truyền thụ kiến thức, giảng viên còn truyền cảm hứng cho học viên. Ảnh: Phan Quang

—————————————-

Đọc thêm
Chủ tịch Huỳnh Bá Lân đưa Kiến Á từ Bất động sản đến Giáo dục
CEO Yola: Khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục cần có tầm nhìn dài hạn
Trung tâm Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy hợp tác giáo dục và khuyến khích khởi nghiệp

Xem thêm

Argor Capital dẫn dắt vốn 10 triệu USD vào startup AI Hay

Startup công nghệ AI Hay – nền tảng AI tạo sinh kết hợp hỏi đáp và mạng xã hội – vừa công bố gọi vốn thành công 10 triệu đô la Mỹ trong vòng Series A do quỹ đầu tư Argor Capital dẫn dắt.

Citics gọi vốn 2,1 triệu USD để thúc đẩy nền tảng số “one-stop” cho giao dịch bất động sản

Nền tảng công nghệ bất động sản Citics hôm 14.5 công bố huy động thành công 2,1 triệu đô-la Mỹ từ các nhà đầu tư chiến lược, gồm TVS, Ai Viet Ventures cùng các quỹ hiện hữu là Vulpes Ventures và Vietnam Investments Group.

BlockStar 2025 chính thức khởi động chương trình ươm tạo Web3 tại Việt Nam

Chương trình ươm tạo startup Web3 - BlockStar Incubation Program 2025 - chính thức khởi động, đánh dấu sự hợp tác chiến lược giữa hai quỹ đầu tư IDGX, SSI Digital Ventures và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS).

Startup giải pháp năng lượng Stride huy động vốn series A

Vòng gọi vốn này được dẫn dắt bởi quỹ Clime Capital và UOB Venture Management, sẽ giúp Stride mở rộng hoạt động kinh doanh và khai thác nguồn tài chính xanh từ các nhà đầu tư.

Ứng dụng “Social Login” của blockchain Ninety Eight nhận sáng chế tại Mỹ

Sáng chế của Ramper - công ty thuộc hệ sinh thái blockchain Ninety Eight, là giải pháp cung cấp đăng nhập cho người dùng dễ dàng hơn trong tiếp cận các ứng dụng web3 thông qua các tài khoản mạng xã hội như Google, Facebook, X...