(TBKTSG 21/1/2005) – Hai vấn đề nổi bật được đề cập tại hội thảo “Vai trò của cộng đồng Việt kiều ở nước ngoài với sự nghiệp phát triển công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam” diễn ra vào cuối tuần qua tại TPHCM là làm sao phát triển thị trường trong nước và kết nối thông tin thị trường giữa doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng người Việt ở nước ngoài để thúc đẩy ngành CNTT-TT phát triển. Hội thảo này do Bộ Bưu chính Viễn thông, Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và UBND TPHCM tổ chức.
“Sân nhà” còn yếu
Thị trường CNTT-TT Việt Nam những năm qua tuy tăng trưởng 25-30% mỗi năm nhưng ở mức xuất phát điểm thấp. Ông Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Chiến lược bưu chính – viễn thông và CNTT, thừa nhận rằng vai trò CNTT-TT trong phát triển kinh tế – xã hội chưa được phát huy đúng mức.
Vì vậy, theo các đại biểu dự hội thảo, một trong những đòn bẩy quan trọng để phát triển CNTT-TT và thu hút Việt kiều tham gia là tạo ra một thị trường ứng dụng thực sự lớn mạnh trong nước. Đó cũng là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm và xây dựng thương hiệu trước khi vươn ra thị trường nước ngoài.
Tổng giám đốc Intel Vietnam Thân Trọng Phúc (Việt kiều Mỹ) cho rằng các nền tảng phát triển xuất phát từ ứng dụng, vì thế để thu hút Việt kiều đóng góp nhiều hơn thì trước tiên thị trường ứng dụng trong nước phải phát triển và tạo ra nhu cầu. Khi thị trường thực sự lớn mạnh thì các công ty ắt sẽ tìm thấy cơ hội; các cá nhân người Việt ở nước ngoài cũng sẽ theo chân các công ty đa quốc gia về Việt Nam.

Hiện nay thị trường ứng dụng ở Việt Nam còn quá nhỏ do lĩnh vực viễn thông còn chưa mở rộng cửa. Nhiều doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm cho biết họ chưa quan tâm tới sản phẩm cho thị trường trong nước vì “miếng bánh ngon” là các dự án công rất khó tiếp cận, trong khi phần còn lại của thị trường không nhiều
Theo ông Nguyễn Thế (Việt kiều Mỹ), thị trường trong nước hay nói nôm na là “sân nhà” phải tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước chuẩn bị năng lực cạnh tranh trước khi bước ra thị trường thế giới. Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung (Việt kiều Pháp) kiến nghị (trong tham luận gửi tới hội thảo) rằng Chính phủ cần phát triển thị trường trong nước để doanh nghiệp có cơ hội tích lũy kinh nghiệm.
Sự tác động của Nhà nước vào thị trường là hoàn toàn có thể và, theo ông Cung, sẽ đem lại những lợi ích thiết thực. Ông cho rằng tin học hóa các cơ quan nhà nước là một khoản đầu tư có khả năng sinh lợi cao và cần được thúc đẩy mạnh. “Chúng ta không thể để thị trường phát triển tự phát sau khi được kết nạp vào WTO”, ông Cung kiến nghị.
Các Việt kiều cũng cho rằng Nhà nước nên tăng mức đầu tư cho lĩnh vực CNTT, hiện đang ở mức1% GDP, quá thấp so với mức trung bình của thế giới là 6-7% GDP. Việc tăng thêm nguồn vốn và đầu tư hiệu quả cho ngành sẽ là đòn bẩy kích thích phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế
Một đại biểu góp ý cần làm sao tạo ra thị trường CNTT mà ở đó Việt kiều thấy rằng họ về nước tham gia không chỉ vì “tình nghĩa” mà còn có thể tìm thấy cơ hội làm việc, kinh doanh. Khi đó mới có thể tạo được bước đột phá về sự đóng góp của Việt kiều.
Thiếu thông tin: “đồng sàng dị mộng”
Ông Phạm Ngọc Sơn, Việt kiều Pháp, đưa ra thắc mắc với ban tổ chức về số liệu hợp tác trong lĩnh vực CNTT giữa Việt Nam và Pháp nhưng Ban tổ chức cho biết đến nay Bộ Bưu chính Viễn thông chưa có số liệu này. Việc thiếu thông tin là một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất tại hội nghị.
Nhiều doanh nghiệp phần mềm trong nước đưa ra nhu cầu về tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mở rộng; cơ hội tiếp cận công nghệ và mở rộng thị trường. Họ cho biết rất cần các doanh nhân Việt kiều hỗ trợ trong việc định hướng phát triển kinh doanh, hợp tác và chia sẻ với những thị trường CNTT lớn khác của thế giới như Mỹ, châu Âu… Trong khi đó, các Việt kiều cho rằng rất muốn tham gia vào ngành CNTT trong nước nhưng không nắm được thông tin thị trường, không biết được các nhu cầu của doanh nghiệp trong nước hoặc các dự án của chính phủ…
Những bất cập trên cho thấy vấn đề kết nối thông tin giữa thị trường trong nước với cộng đồng bên ngoài là một nhu cầu bức xúc. Để giải quyết được vấn đề này, ngoài nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, hiệp hội.
Tổng giám đốc Pyramid Software Development Nguyễn Thịnh (Việt kiều Mỹ) cho rằng vai trò cầu nối của các tổ chức, hiệp hội Việt Nam còn mờ nhạt. Chẳng hạn để thông tin cho doanh nghiệp Mỹ về nhu cầu đầu tư tại Việt Nam, Phòng Thương mại Mỹ (AMCHAM) đã tổ chức phỏng vấn các công ty tại Việt Nam để lên danh sách cung cấp cho doanh nghiệp của mình. Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam khó có được những điều kiện như thế.
Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions (Canada), việc tổ chức thông tin cho hiệu quả là vấn đề thiết thực nhất để thu hút người Việt ở nước ngoài. Những hội thảo như thế này cần thường xuyên hơn chứ không chỉ ba, bốn năm một lần. Thông tin kịp thời và tạo môi trường gặp gỡ trực tiếp giữa các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước là cơ hội tốt nhất để thúc đẩy đầu tư. Họ được tìm hiểu nhiều sẽ đo lường được khả năng và hiệu quả đầu tư, nhờ đó có những quyết định đúng lúc và kịp thời.
Từ hội thảo này, Ban tổ chức đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị thường niên từ năm tới và định kỳ vào tháng 8, luân phiên tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng để tạo điều kiện tiếp cận nhiều hơn giữa doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước trong lĩnh vực CNTT-TT.
Tiềm năng đến đâu?
Theo số liệu của Viện Chiến lược bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin, hiện có gần 400.000 trí thức người Việt ở nước ngoài là các chuyên gia kỹ thuật làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, tin học, sinh học, vật liệu mới, hàng không, vũ trụ…
Riêng trong chương trình Vietnamese Social Culture thuộc Mạng thông tin liên quốc gia (Global Internet Working) có khoảng 40.000 trí thức người Việt, trong đó khoảng 65% chuyên gia CNTT. Tại thung lũng Silicon (Mỹ) có khoảng 10.000 người Việt là chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên CNTT-TT.
Khoảng 1.000 người Việt đang làm việc trong cơ quan nghiên cứu hàng không vũ trụ NASA và Bộ Quốc phòng Mỹ; trong Ngân hàng Thế giới có 150 người…
Trong số 4.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT tại TPHCM, có 187 doanh nghiệp Việt kiều - trong đó khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu là gia công xuất khẩu phần mềm.
Đọc thêm>>
CEO Logigear Hùng Nguyễn: Nghệ sĩ jazz mê kiểm thử phần mềm
CEO KMS Technology: Việt Nam không thiếu kỹ sư IT giỏi
GS.Trương Nguyện Thành: Mỗi người cần một cơ hội
Vai trò cộng đồng Việt kiều với sự phát triển ngành công nghệ thông tin