(Forbes Việt Nam 05/10/2019) – Các công ty fintech đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ như thế nào nhờ sáng tạo sản phẩm vượt trội các ngân hàng truyền thống, tạo nên sức ép đổi mới lên các mô hình tài chính và đòi hỏi cách tân chính sách quản lý, được thể hiện trong Ngân hàng số – từ đổi mới đến cách mạng.
Sách tập hợp nghiên cứu của các tác giả là những chuyên gia giàu kinh nghiệm từ trường đại học Kinh tế – Luật dưới sự chủ biên của PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – phó hiệu trưởng đại học Kinh tế – Luật và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP.HCM (VNUHCM-IBT).

Sách với nội dung phong phú, cung cấp nhiều kiến thức hữu ích có viện dẫn thực tiễn, được thể hiện với lối viết cô đọng, dễ hiểu cho nhiều đối tượng quan tâm đến fintech và tương lai của ngành ngân hàng.
Quá trình tiến hóa của nền tài chính thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng được thể hiện qua các liên hệ, liên kết đến các mô hình kinh doanh số, các chính sách pháp lý lẫn thực tiễn thị trường cho đến các xu hướng công nghệ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo trong các ngân hàng nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Ngân hàng số: từ đổi mới đến cách mạngcó thể nói là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam hiện nay đề cập và phân tích đầy đủ các mô hình và dịch vụ fintech, từ tiền mật mã (cryptocurrency), tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC), tiền điện tử trên di động (mobile money), ví điện tử (e-wallet) cho đến chuyển tiền ngang hàng (peer-to-peer transfer), cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending), huy động vốn cộng đồng (equity-based crowdfunding) hay thanh toán di động (mobile payment)…
Những sản phẩm tài chính số hóa và mô hình dựa trên công nghệ được các tác giả phân tích tỉ mỉ, diễn đạt đơn giản, dễ hiểu ngay cả với người đọc ngoài ngành tài chính.
Sách đề cập xuyên suốt những thách thức của mô hình ngân hàng truyền thống trong kỷ nguyên số và quá trình tiến hóa, thích nghi. Các fintech được sinh ra như một sự phản ứng trước các mô hình truyền thống cũ kỹ, đã tạo sức ép thay đổi và hình thành ngân hàng số, ngày càng hướng đến trải nghiệm người dùng.
Sự vượt trội của fintech thể hiện qua sự chuyển hóa của các ngân hàng, từ tình trạng phớt lờ sự trỗi dậy của fintech chuyển sang ngăn chặn sự xâm nhập của fintech. Khi không thể cưỡng lại xu thế mới, các ngân hàng tự phát triển fintech, rồi tiếp đến là chọn hợp tác: hỗ trợ, liên kết, đối tác chiến lược cho tới rót vốn đầu tư, mời gọi startup nghiên cứu các mô hình kinh doanh mới và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo.
>>Đọc sách: Khung pháp lý phát triển công nghệ tài chính
Cách mạng công nghệ và sự phát triển của khu vực tài chính còn thể hiện qua quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng, các tác giả đưa ra những phân tích về áp lực lẫn lợi ích của chuyển đổi số cũng như các trụ cột của chiến lược này. Áp lực và chiến lược chuyển đổi số của các ngân hàng thông qua các phân tính các xu thế công nghệ mới trong quản trị ngân hàng cũng là nội dung quan trọng của sách này.
Sự phát triển nhanh của fintech đã gây nhiều lúng túng cho các nhà hoạch định chính sách. Các tác giả đã cho thấy mức độ phản ứng, ứng xử của các chính phủ đối với các fintech trong hoạt động ngân hàng là rất khác nhau, tùy vào khuôn khổ thể chế, trình độ phát triển, năng lực quản trị, các đặc trưng của khu vực tài chính, cơ cấu kinh tế, nhân khẩu học và kể cả khẩu vị rủi ro.
Thông qua xâu chuỗi quá trình phát triển, các phân tích và lượng định thực tiễn, đánh giá xu thế, phân tích từng mô hình, đưa ra các gợi ý, đặc biệt với những dịch vụ mới như tiền điện tử trên thuê bao di động, tiền ảo hay tiền mật mã. Rất nhiều hàm ý chính sách khác đã được các tác giả gửi gắm trong 344 trang sách.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho rằng “Ở góc độ pháp lý, việc minh định khái niệm fintech là hết sức quan trọng vì điều này sẽ quyết định cách thức quản lý của nhà nước đối với các fintech thế nào cho phù hợp, thúc đẩy sáng tạo và phát triển.”
Ngân hàng số – từ đổi mới đến cách mạng à cuốn sách đầu tiên ra mắt độc giả sau khi Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng được thành lập hồi tháng 7.
Ông Khánh cũng cho biết IBT đang thực hiện các nghiên cứu làm rõ tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của các fintech Việt Nam; nghiên cứu thực nghiệm về các tác động của việc liên kết giữa ngân hàng thương mại Việt Nam với các fintech. Kết quả này sẽ được công bố vào năm 2020.
Các đầu sách liên quan khác cũng sẽ ra mắt độc giả vào năm tới như Sáp nhập ảo giữa fintech và ngân hàng thương mại; Khung pháp lý cho tiền số và công nghệ tài chính…
——————————————
Đọc thêm
Khung pháp lý phát triển công nghệ tài chính
Chuyện hệ trọng của doanh nghiệp thời nay
Ngân hàng thích nghi thế nào với công nghệ số?
Công nghệ thay đổi cách doanh nghiệp tiếp cận khách hàng
Ra mắt bộ sách “Lịch sử văn minh thế giới”