Với sách Lãnh đạo thực hành (Being the Boss), hai tác giả Linda A. Hill và Kent Lineback đã chỉ ra rằng mô hình quản trị bản thân, quản trị mối quan hệ và đội ngũ mới là phương cách quản lý hữu hiệu cho một khối lượng công việc ngày càng khổng lồ và luôn luôn thay đổi.
(Forbes Việt Nam 14/12/2019) – Trở thành nhà quản lý thực thụ là một hành trình mà rất nhiều nhà quản lý đã không thể hoàn thành, bởi đó không đơn thuần là một công việc mở rộng thêm hay là phiên bản có phạm vi rộng hơn của việc quản lý bản thân, mà là bước nhảy dài vào một không gian hoàn toàn mới. Trên chặng đường đó, nhiều người phải luôn tự vấn mình đang ở đâu trên hành trình, còn phải đi bao xa để trở thành một nhà lãnh đạo thực sự?
Tác giả sách Lãnh đạo thực hành lý giải việc quản lý phức tạp bởi nó chính là hiện thân của một chuỗi những nghịch lý. Bạn phải chịu trách nhiệm cho công việc mà người khác thực hiện; vừa phát triển nhân viên nhưng lại phải vừa đánh giá họ;
Bạn phải thúc đẩy nhóm/tổ chức của mình hoạt động trong một liên kết bền chặt nhưng không được làm mất đi góc nhìn của mỗi cá nhân; để quản lý được nhóm hay tổ chức phải quản lý được cả bối cảnh rộng lớn hơn bao quanh nhóm hay tổ chức của mình;
Bạn phải duy trì hoạt động nhưng lại phải vừa không ngừng cải tiến; không chỉ tập trung cho hôm nay mà cho cả ngày mai; đôi khi bạn buộc phải gây ra tổn hại để bảo vệ được lợi ích to lớn hơn…

Với sách Lãnh đạo thực hành các tác giả đã minh định rằng giải quyết những nghịch lý chính là bản chất cốt lõi mà nhà quản lý phải đối mặt. Những nghịch lý đó giải thích vì sao công việc quản lý là một áp lực, vì sao thế giới cần công tác quản trị. Điều này đòi hỏi một hành trình cá nhân lâu dài và đầy thử thách, buộc phải trang bị khả năng tự nhận thức bản thân – yếu tố cốt lõi của một nhà quản trị thành công.
Hai tác giả sách Lãnh đạo thực hành, Linda A.Hill – người đứng đầu bộ môn sáng kiến lãnh đạo của trường kinh doanh Harvard và Kent Lineback – người có gần 30 năm làm quản lý tại các hệ thống và tổ chức trong nhiều mô hình kinh doanh thành công, đã đưa độc giả đến công trình nghiên cứu về vị trí lãnh đạo với các mô tả hấp dẫn, thực tiễn sinh động và đáng tin cậy về cách thức quản lý con người.
Sách buộc nhà quản lý tự vấn: tôi có phải là một nhà quản lý đủ tốt đến mức cần thiết; làm thế nào để khiến nhân viên làm việc hiệu quả nhất trong khả năng của họ? Tôi đã sẵn sàng cho trách nhiệm lãnh đạo ngày càng cao hơn; liệu có đủ giỏi giang để đạt được những tham vọng trong sự nghiệp; đã sẵn sàng đương đầu với thử thách và biết làm cách nào để trở nên tốt hơn?…
Phương pháp mà hai tác giả đưa ra trong cuốn sách này là thực hành 3 vai trò cốt yếu: quản trị bản thân; quản trị quan hệ và quản trị đội ngũ. Hành trình này không dễ dàng, nhưng theo tác giả, cần nhiều hơn ngoài sáng kiến và tham vọng, vì 3 vai trò cốt yếu chắc chắn đòi hỏi mỗi người phải hành động và giao tiếp theo nhiều phương thức mà ban đầu có thể trái với bản năng và tính cách của họ.
Các phương pháp này có thể được dùng để định hướng cho mọi khía cạnh trong công việc, mỗi nhân tố đều đóng vai trò then chốt đối với thành công của nhà quản trị. Sẽ có những lúc phải đối nghịch lại với khuynh hướng của riêng mình và thậm chí cả sự mong đợi của người khác, rất ít người chỉ đơn giản làm theo bản năng mà có thể trở thành nhà quản lý hiệu quả.
Tác giả sách chỉ ra rằng việc quản lý thường không được nói đến theo cách nhận thức bản thân, nhưng nếu không có nó, xã hội không thể hoạt động. Do đó, bạn không chỉ cần sự tự nhận thức mà còn khả năng tự kiểm soát, kỷ luật cá nhân, quyết tâm và khả năng phục hồi.
Lãnh đạo thực hành (tiếng Anh: Being the Boss).
Tác giả: Linda A. Hill, Kent Lineback.
Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và Viện Quản lý PACE phát hành.
——————————————
Đọc thêm
Đọc sách: Lãnh đạo tỉnh thức
Ra mắt Lịch sử văn minh thế giới
Khung pháp lý phát triển công nghệ tài chính
Ngân hàng số – từ đổi mới đến cách mạng
6 vị trí nhân sự cần có trong doanh nghiệp thời 4.0