Đối sách nào cho hàng xuất khẩu Việt Nam?

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài, vì vậy để hạn chế rủi ro và tận dụng các cơ hội mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường năng lực, sức cạnh tranh và thiết lập cách vận hành mới.

Link gốc

(Doanh Nhân Sài Gòn 09/11/2018) – Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, tương đương 38 tỷ USD (năm 2017), chỉ đứng sau Trung Quốc (376 tỷ USD), EU (151 tỷ USD), Mexico (71 tỷ USD) và Nhật (69 tỷ USD). Tuy nhiên, Việt Nam lại là nền kinh tế có độ mở lớn (tính theo kim ngạch xuất khẩu/GDP đứng thứ 7 thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 200% GDP), vì thế nếu bị đánh thuế trừng phạt thì tác động tiêu cực đến nền kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều.

Tại Hội thảo Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hồi tuần rồi, TS. Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright phân tích: Mỹ áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong 2 đợt đầu mức ảnh hưởng còn nhỏ, nhưng vào đợt thứ ba (từ ngày 24/9), Mỹ áp thuế suất 10% vào lượng hàng hóa có trị giá gần 200 tỷ USD với 5.800 dòng sản phẩm, tác động vì vậy sẽ sâu rộng hơn.

Tính cả 3 đợt, hàng Trung Quốc chịu thuế trừng phạt 250 tỷ USD, xấp xỉ 50% tổng kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ. Nếu đàm phán không có kết quả, mức thuế sẽ tăng lên 25% cuối năm nay và sau đó là toàn bộ hàng nhập từ Trung Quốc với mức thuế 267 tỷ USD.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, nhìn vào cơ cấu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, xuất hiện các nhóm sản phẩm liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, gỗ nội thất Trung Quốc xuất sang Mỹ 32 tỷ USD đang chịu thuế 10%, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) kim ngạch sẽ giảm tương đương 7 tỷ USD.

Với nhóm hàng này, năm 2017 Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ 4,76 tỷ USD và sẽ có cơ hội gia tăng. Nhóm sản phẩm da, vali, túi xách, Trung Quốc xuất sang Mỹ khoảng 7 tỷ USD, ước tính Mỹ sau áp thuế sẽ giảm khoảng 1,9 tỷ USD. Đây cũng là ngành hàng mang lại cơ hội xuất khẩu mạnh hơn cho doanh nghiệp Việt Nam khi năm 2017, Việt Nam đã xuất sang Mỹ 1,1 tỷ USD.

xuất khẩu
Gỗ là nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam (Ảnh: HawaExpo)

Nhưng bên cạnh những lợi thế trên, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi bị cạnh tranh bởi hàng Trung Quốc tràn vào, đặc biệt là nguyên phụ liệu, hóa chất, nhựa – những ngành mà năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam rất yếu.

“Một rủi ro lớn là việc hàng Trung Quốc chuyển tải (transshipment) qua Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này có thể phức tạp hơn khi có chế biến giả tạo thông qua doanh nghiệp nội địa hay doanh nghiệp FDI đóng tại Việt Nam.

Hàng chuyển tải nếu không được kiểm soát và ngăn chặn có thể trở thành cớ để Mỹ đánh thuế trừng phạt. Giống như vừa qua, thép xuất qua Mỹ từ Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị đánh thuế trừng phạt lên đến 450%”, ông Nguyễn Xuân Thành cảnh báo.

TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) nhận định, khuynh hướng Mỹ gây áp lực lên hàng hóa Trung Quốc sẽ không thay đổi. Về lâu dài, những quốc gia không có ưu thế sẽ phải nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị cung ứng, chuẩn bị cơ sở vững chắc mới tránh bị tấn công bởi các chính sách bảo hộ của Mỹ.

Doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, môi trường kinh doanh toàn cầu đòi hỏi thiết lập cách vận hành mới, các nền kinh tế muốn cạnh tranh phải nâng cao chất lượng. Những nước không có lợi thế về quy mô, chi phí và hàm lượng sáng tạo sẽ chịu sức ép lớn.

TS. Nguyễn Xuân Thành cũng khuyến cáo: “Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải cẩn trọng để tránh những trường hợp như thép bị áp thuế trừng phạt 450% do không chứng minh được nguồn gốc chế tạo. Đừng biến Việt Nam thành nơi tuồn hàng từ Trung Quốc vì đạo luật thuế mới của Mỹ giúp họ dễ dàng lần ra xuất xứ hàng hóa và các nước trung gian bị trừng phạt nặng nề”.

Một khi bị phát hiện, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ gánh chịu, không chỉ riêng một doanh nghiệp mà các nhóm sản phẩm thành tâm điểm trừng phạt. Hàng hóa xuất sang Mỹ không chỉ chịu thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm bị trừng phạt vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ rất cao”.

Tỷ trọng hàng hóa chịu thuế trừng phạt lớn nhất là máy móc, thiết bị cơ khí, điện, điện tử, vốn là với tỷ trọng lớn thuộc về các tập đoàn đa quốc gia. Vì hiện nay, với chính sách đa dạng hóa sản xuất, các tập đoàn toàn cầu đặt nhà máy ở nhiều nước chứ không tập trung ở Trung Quốc.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch – Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, thuế quan chỉ là bề nổi trong chính sách thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Sâu xa đó là cuộc chiến tranh công nghệ trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 để khẳng định vị thế địa – chính trị. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu trước mắt nhưng về lâu dài, cần phải trang bị năng lực để thích nghi và giảm thiểu các tác động rủi ro.

————————–

Đọc thêm
Thương mại Việt Nam – EU: Sẽ thay đổi cuộc chơi
Công ty nhỏ đang thay đổi diện mạo thương mại toàn cầu
Thương mại điện tử Việt Nam: Các “ông lớn” cạnh tranh khốc liệt
Đầu tư Thương mại Việt – Mỹ: Hấp dẫn công nghệ, xuất siêu hàng hóa

Xem thêm

Triển vọng Doanh nghiệp 2025: Tái cấu trúc, mở rộng thị trường và chuyển đổi số

Khảo sát do Ngân hàng UOB thực hiện vừa công bố cho thấy các phản ứng của doanh nghiệp sau những biến động về thuế quan kể từ tháng 4: 80% đang chủ động đưa ra giải pháp ứng phó và 60% vẫn giữ quan điểm tích cực về triển vọng trong năm tới.

SSI, Tether, U2U và AWS hợp tác phát triển hạ tầng tài chính số

Ngày 19.6, các đơn vị thành viên của công ty Chứng khoán SSI đã ký hợp tác với ba đối tác công nghệ - tài chính: Tether, U2U Network và AWS, đánh dấu bước tiến trong xây dựng hạ tầng tài chính số, tích hợp công nghệ blockchain và điện toán đám mây tại Việt Nam.

Australia và Việt Nam ra mắt Trung tâm Công nghệ Chiến lược thúc đẩy hợp tác số

Trung tâm Công nghệ Chiến lược Australia – Việt Nam chính thức ra mắt ngày 11.6, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia.

FedEx nâng cấp hoạt động tại Việt Nam, chuyển sang mô hình phục vụ trực tiếp

FedEx Express – hãng chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ, chính thức chuyển sang mô hình phục vụ trực tiếp (direct-serve) tại Việt Nam, thay cho mô hình hoạt động gián tiếp thông qua đối tác ủy quyền trước đây.

Hai tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt – Hàn hợp tác thúc đẩy nền tảng AX có quy mô 2.400 tỉ

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn KT (Hàn Quốc) hôm 26.5 đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược (SPA) cho mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện tại Việt Nam dựa trên nền tảng chuyển đổi trí tuệ nhân tạo - AX (AI Transformation).