(Sài Gòn Tiếp Thị 22/11/2012) – Nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã mang lại doanh thu xuất khẩu cao và sử dụng số lao động lớn tại Việt Nam như Samsung, Foxconn, Canon, Nidec, Intel… Những tên tuổi đó đã góp phần ghi danh Việt Nam trên bản đồ sản phẩm công nghệ thế giới, dù vậy giá trị gia tăng mang lại còn rất thấp.
Giá trị gia tăng chỉ 10%
Thử làm phép tính về giá trị gia tăng trong ngành công nghệ – điện tử vốn có tổng doanh thu xuất khẩu cao nhất hiện nay. Theo số liệu của tổng cục Hải quan đến 15.11, tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng này (gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện) đạt hơn 17 tỉ USD. Trong cùng thời gian này, tổng giá trị nhập khẩu vào Việt Nam hơn 15,5 tỉ USD, phần lớn là thiết bị nguyên vật liệu nhập khẩu để phục vụ cho các nhà máy tại Việt Nam.
Theo tính toán của khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), nơi các nhà đầu tư đều được hưởng ưu đãi về đầu tư công nghệ cao, tính đến tháng 10.2012, 29 nhà sản xuất tại đây mang lại doanh số xuất khẩu luỹ kế 3,6 tỉ USD, nhưng giá trị nhập khẩu chiếm hơn 3,2 tỉ USD.
Theo ông Dương Minh Tâm, phó trưởng ban quản lý SHTP, phân tích chất lượng sản xuất cho thấy giá trị gia tăng khá thấp, với 10% và chủ yếu là từ công lao động. Còn theo báo cáo “đầu tư công nghiệp Việt Nam 2011” do tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) thực hiện, khảo sát gần 1.500 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, cho thấy giá trị gia tăng còn thấp hơn, từ 5 – 10%.
Trung bình một doanh nghiệp FDI thu hút khoảng 800 lao động nhưng với lực lượng lao động phổ thông chiếm 70 – 80% như hiện nay thì khó có thể có giá trị gia tăng theo đúng tiêu chí công nghệ cao. Hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu lắp ráp và kiểm tra sản phẩm, đóng gói, việc chuyển giao công nghệ trong các công đoạn cuối chỉ hạn chế ở mức độ vận hành, bảo trì kỹ thuật; trang bị kỹ năng đảm bảo chất lượng lắp ráp, kiểm định và chỉ trong phạm vi nội bộ tập đoàn.
Khảo sát của UNIDO cho thấy các ngành công nghệ cao điển hình thường dựa vào sản xuất lắp ráp sử dụng nhiều lao động như chế tạo máy tính, điện tử, sản phẩm quang học và thiết bị điện nhưng năng suất và hiệu quả kỹ thuật lại ở mức thấp nhất. Thậm chí các doanh nghiệp FDI ngành dệt may, da giày, đồ gỗ sử dụng công nghệ thấp hơn nhưng giá trị gia tăng cho người lao động cao hơn nhiều lần so với doanh nghiệp FDI sản xuất với công nghệ cao như điện tử, hoá dược; và sử dụng công nghệ trung bình như cơ khí lắp ráp, luyện kim…

R&D không theo kịp
Theo ông Tâm, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp tại SHTP đều chưa đạt về chi phí lẫn số nhân lực dành cho R&D theo luật Công nghệ cao. Tổng chi phí bình quân ba năm cho R&D hiện dưới 1% và nhân lực dưới 2%. Phần lớn các dự án R&D tại SHTP do doanh nghiệp trong nước đầu tư. Chẳng hạn Intel không có hoạt động R&D trong tổng trị giá sản phẩm đạt 500 triệu USD năm 2011.
Các ưu đãi cho nhà đầu tư công nghệ cao cao hơn nhiều so với đầu tư thông thường. Các nhà sản xuất lớn đã không ngừng tạo ra sức ép để được hưởng ưu đãi. Theo UNIDO, các hiệp hội ngành nghề trong nước lại chưa đủ khả năng tiếp cận, làm đối trọng hoặc thiết lập liên kết hợp tác với khối FDI.
Theo TS Lê Hoài Quốc, giám đốc SHTP: “Môi trường ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao để hấp thu các giá trị công nghệ lâu nay chưa có được chiến lược dài hạn. Các doanh nghiệp còn yếu và thiếu kinh nghiệm tổ chức các dịch vụ cần thiết cho các nhà đầu tư công nghệ cao”.
UNIDO nhận định việc chuyển giao công nghệ và tri thức của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam không đạt bởi phụ thuộc nhiều vào hàng hoá trung gian và nhập khẩu. Nếu việc thu hút FDI không song hành với các chương trình phát triển công nghiệp, kinh tế xã hội, thì dù các nhà đầu tư chịu thiết lập bộ phận R&D cũng khó tạo ra được phần cốt lõi.
Theo TS Lê Hoài Quốc, R&D là tiêu chí quan trọng khi thẩm định dự án, nhưng thực tế hàm lượng này chưa thể hiện rõ trong sản phẩm và nhiều nhà đầu tư không thực hiện theo cam kết ban đầu. Cần phân biệt rõ doanh nghiệp công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao với hàm lượng công nghệ thực sự của sản phẩm đó làm ra tại nhà máy Việt Nam. “Bất cập này là do sự dễ dãi trong giai đoạn đầu thu hút đầu tư đã chú trọng nhiều đến tên tuổi nhà đầu tư mà chưa chú trọng vào chất lượng, lựa chọn dự án và thẩm định công nghệ”, ông Quốc nói.
Chủ yếu lao động phổ thông
Khó thể có được một nhà đầu tư công nghệ cao thực thụ khi mà nguồn lao động phổ thông tại các nhà máy hiện chiếm từ 70 – 80%. Toàn khu SHTP tuyển dụng hơn 17.500 lao động nhưng 76% là lao động phổ thông. Nếu tính rộng hơn tại 15 khu chế xuất – khu công nghiệp – khu công nghệ cao tại TP.HCM có 270.000 công nhân nhưng chỉ 10.000 lao động có trình độ đại học. Khảo sát của UNIDO cũng cho thấy lao động phổ thông chiếm gần 80% ở gần 1.500 doanh nghiệp FDI được khảo sát; lao động nước ngoài là cán bộ kỹ thuật/giám sát chiếm xấp xỉ 15%.
Theo UNIDO phần lớn doanh nghiệp FDI phụ thuộc vào vốn và đầu vào nhập khẩu đồng thời sản xuất chủ yếu cung ứng cho xuất khẩu. Các xu hướng này khẳng định năng suất trên lao động tương đối thấp. Điểm sáng nhất là khối FDI tích cực cải thiện chất lượng và kỹ năng lao động nội địa, tuy nhiên tác động gián tiếp còn thấp do liên kết dọc giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu. Chuỗi cung ứng trong nước lỏng lẻo càng khiến việc chia sẻ và chuyển giao công nghệ khó diễn ra.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cạnh tranh thu hút FDI ngày càng mạnh, Việt Nam chỉ có thể có được nguồn FDI chất lượng cao khi tạo ra được đội ngũ nhân lực chuyên sâu và lực lượng doanh nghiệp trong nước đủ sức hỗ tương. Hoạt động R&D không đơn giản ở chính sách mà còn chiến lược dài hạn về sản phẩm, thị trường và cách thức tiếp cận.
Ông Quốc cho rằng, sau nhiều năm “nếm trải” kinh nghiệm về thu hút đầu tư, giai đoạn tiếp theo cần đánh giá kỹ từng dự án về giá trị gia tăng, chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư R&D… SHTP sẽ phải đánh giá phân loại doanh nghiệp để đề xuất ưu đãi đặc biệt với dự án đích thực công nghệ cao, trường hợp ngược lại sẽ đề xuất giảm ưu đãi.
————————-
Đọc thêm>>
Doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đầu tư vào hạ tầng hàng không Việt Nam
Bức tranh đầu tư của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam ra sao?
Thời điểm suy thoái là lúc cần đầu tư cho công nghệ